Thầy Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy (Hà Nội), từng sai lầm khi coi trường công lập là hình mẫu theo đuổi.

“10 năm đầu sau khi xây trường, tầm nhìn của tôi chỉ đến trường công là hết. Tôi luôn đặt mục tiêu cố gắng được như họ, muốn tỷ lệ học sinh khá, giỏi cũng đạt 60-70%, đến màu cửa sổ tôi cũng cho sơn giống trường công”, thầy Hòa nói trong tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi” diễn ra tại Hà Nội chiều 22/11

Sau thời gian dài theo đuổi mô hình học tập giống trường công lập, áp lực chạy theo thành tích, thầy Hòa không thu được kết quả như mong muốn khi giáo viên luôn cảm thấy mệt mỏi, trong khi tỷ lệ học sinh khá, giỏi chỉ 30-40%.

“Tôi nhận ra mình sai và phải thay đổi, tìm ra con đường đi riêng”, thầy Hòa kể.

Thầy Nguyễn Văn Hòa tại buổi Tọa đàm chiều 22/11. Ảnh: Thanh Hằng

Thầy Nguyễn Văn Hòa tại buổi tọa đàm chiều 22/11. Ảnh: Thanh Hằng

Những năm 2000, chỉ học sinh có vấn đề về học tập, hạnh kiểm mới bỏ tiền vào trường tư. Thầy hiệu trưởng đã gặp và thuyết phục giáo viên cần chấp nhận sự thật này, không kêu ca, cố gắng chăm sóc các em.

“Học tập chỉ là một trong số nhiều năng lực của con người. Các em chưa giỏi trong việc học nhưng còn nhiều năng lực khác. Giáo viên cần phát hiện, mài giũa và khuyến khích học trò phát huy những năng lực đó”, thầy Hòa nói.

Là người lãnh đạo cao nhất, thầy Hòa cam kết với giáo viên không lấy tỷ lệ học sinh khá, giỏi để đánh giá thầy cô, không lấy chỉ tiêu thành tích để xếp hạng thi đua các lớp. Để đánh giá chất lượng giáo dục chính xác, cần nhìn vào sự tiến bộ của học sinh mỗi lớp so với chính các em trong quá khứ. “Chúng ta dạy học trò cách làm người, không chạy theo thành thích”, thầy khẳng định.

Trong hành trình thay đổi, thầy Hòa chủ trương không dùng quy định hà khắc. Hiệu trưởng không xử phạt hà khắc với giáo viên và giáo viên không áp dụng những hình phạt này với học sinh. Bởi theo thầy, học sinh tìm đến trường tư lúc đó là “những đứa trẻ yếu thế”, việc kỷ luật không hiệu quả. Muốn thay đổi, giáo viên phải thương yêu và chăm lo học trò như con mình.

“Sau khi chứng kiến hàng nghìn học sinh ra trường, bây giờ có người là tiến sĩ, trung tá công an quay lại trường cảm ơn, tôi tin rằng mình đã thay đổi kịp thời và đi đúng hướng”, thầy giáo 74 tuổi chia sẻ.

Đồng tình với thầy Hòa, giáo sư Peck Cho, chuyên gia Hàn Quốc, người thiết kế chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, phân tích nhiều trường học Việt Nam đang “tạo ra sự giận dữ” bằng cách chơi chữ: MAD (Giận dữ) được tạo thành từ ba yếu tố Memorizing (Ghi nhớ), Anlyzing (Phân tích) và Data processing (Xử lý dữ liệu). Giáo sư ám chỉ cách dạy học nhồi nhét kiến thức khiến học sinh áp lực, không hạnh phúc khi đến trường.

Theo chuyên gia người Hàn Quốc, các hiệu trưởng cần xác định trong tương lai, môi trường giáo dục chứa đựng sự giận dữ không được chấp nhận. Thầy cô nếu muốn tạo ra trường học hạnh phúc cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây.

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ ba tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Thanh Hằng

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Thanh Hằng

Thứ nhất, giáo viên cần tạo môi trường tôn trọng sự phát triển của từng cá nhân. “Chúng ta phải xây dựng được nơi mà các em không lo sợ về bạo lực học đường, được thoải mái sáng tạo và thể hiện sự khác biệt. Thầy cô không phân biệt, xếp hạng trò giỏi, trò dốt mà để các em phát triển tối đa thế mạnh”, ông Nhạ nói.

Thứ hai, văn hóa vật thể với không gian trường xanh – sạch – đẹp cần được quan tâm và chú trọng. Theo Bộ trưởng, trường học không nhất thiết phải giàu có và khang trang, nhưng cần gọn gàng, sạch sẽ để tạo ra sự thoải mái, cảm hứng dạy và học cho giáo viên, học sinh.

Thứ ba, những người làm giáo dục cần tạo ra môi trường học tập dân chủ. “Hiệu trưởng cần là người lắng nghe và tôn trọng ý kiến, sự bức xúc, áp lực từ phía giáo viên để cảm thông và hỗ trợ, không được thể hiện quyền uy của mình. Một khi hiệu trưởng đối xử được với giáo viên như vậy, giáo viên mới làm được điều tương tự với học sinh”, ông Nhạ nói.

Hiện cả nước có khoảng 300.000 hiệu trưởng, 800.000 giáo viên và hơn 16 triệu học sinh phổ thông. Bộ trưởng Nhạ cho rằng hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường giáo dục hạnh phúc cho gần 17 triệu thầy cô và học sinh, từ đó lan tỏa niềm vui, sự tích cực trong xã hội.

Thanh Hằng

Nguồn Tông hợp

Facebook Comments
Rate this post

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Anh tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Trung tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *