Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Hải, năm nay, nhà trường vẫn giữ chỉ tiêu 4.100 trên tổng số năm tổ hợp xét tuyển gồm: A00, A01, D01, D03, D04 và D07. Trong đó, 3.800 chỉ tiêu dành cho chương trình đào tạo đại trà và chất lượng cao, 300 chỉ tiêu dành cho chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù.
Phương thức tuyển sinh năm nay cũng như kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2019, bao gồm: phương thức tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục & Đào tạo và phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi trong kỳ thi THPT Quốc gia.
Đại diện các thầy cô của trường Đại học Thương mại Hà Nội trong chương trình Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp năm 2020. |
Cũng theo Phó giáo sư, cơ chế tuyển sinh đại học năm nay của trường có hai điểm mới nổi bật: nhà trường không sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển; những thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn ngoại ngữ sẽ được phép sử dụng điểm quy đổi thành điểm xét tuyển cho môn này.
“Đây là cơ hội mở để các em lựa chọn giữa hai mức điểm cao hơn của bài thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia với điểm quy đổi từ chứng chỉ quốc tế. Các em chỉ cần nộp bản photo của chứng chỉ quốc tế về Trường Đại học Thương mại theo đúng thời gian quy định trong đề án tuyển sinh”, PGS.TS Lê Thị Thanh Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn chưa quyết định phương án cuối cùng cho vấn đề điểm quy đổi là bao nhiêu đối với từng loại chứng chỉ. Do đó, học sinh nên cập nhật thông tin tuyển sinh thường xuyên trong đề án tuyển sinh mà nhà trường sắp ban hành để có thông tin chính xác và kịp thời.
Chương trình đào tạo đặc thù
Nói về các chương trình đào tạo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông của trường cho biết, hiện nay, trường có ba chương trình đào tạo chính gồm: Chương trình đào tạo đại trà, chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình đào tạo đặc thù.
Chia sẻ về sự khác biệt của chương trình đào tạo đặc thù, PGS.TS Nguyễn Viết Thái cho hay, chương trình đặc thù là hình thức đào tạo gắn với nhu cầu ba ngành đang thiếu hụt nhân lực hiện nay: Quản trị khách sạn, Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành và Công nghệ thông tin. Theo đó, Trường ĐH Thương mại có ba ngành đào tạo trên. Năm nay là năm thứ ba trường tổ chức tuyển sinh đối với các ngành đào tạo đặc thù này.
Về chỉ tiêu đối với chương trình đào tạo đặc thù, mỗi năm, chỉ tiêu đối với chuyên ngành là 100 sinh viên. Thông qua hệ thống cựu sinh viên và các đối tác của nhà trường, các khoa chuyên ngành đã ký kết hợp đồng và lựa chọn giảng viên cũng như các doanh nghiệp tham gia giảng dạy đối với chương trình này.
“Điểm khác biệt của chương trình đào tạo đặc thù là ở thời gian đào tạo lý thuyết trên giảng đường chỉ chiếm 30-50% thời lượng chương trình. Thời gian còn lại, sinh viên sẽ học tập tại doanh nghiệp. Điều này tạo ra lợi thế lớn khi cả ba ngành đào tạo đều đòi hỏi sinh viên cần có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được công việc ngay sau khi ra trường”, PGS.TS Nguyễn Viết Thái chia sẻ thêm.
Duy trì chính sách học bổng đối với thí sinh đạt điểm đầu vào cao
Trường Đại học Thương mại là một trong số những trường đại học có cơ chế khuyến khích nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời đối với sinh viên có thành tích cao trong học tập, trong đó có quỹ học bổng dành cho sinh viên có điểm đầu vào tại kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thái, năm 2020, quỹ học bổng dành cho thí sinh có điểm tuyển sinh đầu vào cao vẫn được nhà trường duy trì. Nhà trường đã dành ngân sách sáu tỷ đồng cho quỹ học bổng này. Việc xét học bổng được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến khi hết quỹ, đồng thời cũng căn cứ trên cơ sở mặt bằng chung điểm thi thực tế của thí sinh. Năm 2019, quỹ học bổng đã được trao cho các thí sinh có điểm đầu vào từ hơn 24 điểm trở lên.
Bên cạnh đó, với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định của nhà nước, trường cũng có hoạt động hỗ trợ học tập dành cho nhóm sinh viên này. Đối với nhóm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường sẽ có hội đồng xét duyệt, qua đó hỗ trợ miễn học phí và ở ký túc xá một năm đầu tiên, miễn phí tiền ăn một năm khi sinh viên đi học quân sự tại Hà Nam.
Cùng với đó, tại các khoa chuyên ngành, thông qua hệ thống cựu sinh viên và đối tác, quỹ học bổng cũng được trao cho sinh viên thuộc khoa chuyên ngành đó.
“Tại khoa Tài chính Ngân hàng, sinh viên sẽ nhận học bổng của một số ngân hàng, được hỗ trợ trở thành thực tập sinh tiềm năng và có cơ hội trở thành nhân viên chính thức tại chính các ngân hàng mà sinh viên đã nhận học bổng. Điều kiện thuận lợi này hiện được triển khai ở nhiều khoa khác nhau trong toàn trường” – PGS.TS Lê Thị Kim Nhung – Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng cho biết.
Với việc duy trì mức chỉ tiêu tuyển sinh cùng một số điểm đổi mới có lợi, thí sinh đăng ký dự tuyển kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trường Đại học Thương mại sẽ có nhiều cơ hội vào trường và hưởng những cơ chế, chính sách năng động, có xu hướng mở trong suốt quá trình học tập sau này.
Xem đầy đủ chương trình Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp năm 2020 – Đại học Thương mại Hà Nội tại đây