Chiều 27/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo cả nước có 887.100 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, tỷ lệ dự thi trên 99%.
Trong ba ngày diễn ra kỳ thi, sáu cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang tài liệu và điện thoại vào phòng, ba em bị cảnh cáo, bốn em bị khiển trách. Sáu cán bộ coi thi đều bị đình chỉ nhiệm vụ coi thi.
Mỗi phòng thi có hai giám thị làm nhiệm vụ coi thi. Ảnh: Giang Huy |
Tại Phú Thọ, khi hết 2/3 thời gian làm bài, đề thi xuất hiện trên mạng xã hội. Ban chỉ đạo thi và Công an tỉnh đã điều tra. Qua xác minh ban đầu, một thí sinh tự do đã mang điện thoại vào phòng, chụp lại đề nhờ bạn bên ngoài giải hộ. Thí sinh này bị đình chỉ thi, hai giám thị coi thi ở phòng đó cũng bị đình chỉ nhiệm vụ do không phát hiện thí sinh mang điện thoại vào phòng.
Ở Lào Cai, tại một phòng thi, cán bộ coi thi đã ký nhầm tên vào ô của cán bộ chấm thi trong tờ giấy làm bài của ba thí sinh. Sau một thời gian, cán bộ mới phát hiện ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Hai cán bộ coi thi ở phòng đó đã bị đình chỉ nhiệm vụ. Thí sinh được thi lại vào chiều 27/6 bằng đề dự bị.
Với Sơn La, một thí sinh ghi số báo danh không đúng quy cách ở môn Ngữ văn, cán bộ coi thi đã không xử lý linh hoạt nên Ban chỉ đạo thi quyết định đình chỉ hai cán bộ coi thi và cho thí sinh thi bằng đề dự bị trong chiều nay.
“Việc đình chỉ cán bộ coi thi là tạm thời, chúng tôi sẽ xem xét tiếp trách nhiệm cá nhân để có hướng xử lý tiếp theo”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu chiều 27/6. Ảnh: Dương Tâm |
Theo ông Trinh, kỳ thi THPT quốc gia ghi nhận sai sót kỹ thuật ở một số điểm thi như phát nhầm mã đề, in thiếu đề. Tuy nhiên, các trường hợp này đều đã được xử lý, hội đồng thi bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
“Đến nay, kỳ thi THPT quốc gia đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng. Các điểm thi ở địa phương đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh, đồng thời không gây áp lực cho giao thông đi lại ở thành phố lớn”, ông Trinh nói.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện quy trình chấm tự luận theo đúng quy chế, từ việc chấm hai vòng độc lập đến chấm kiểm tra tối đa 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm lại.
Với việc chấm thi trắc nghiệm, Bộ chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng chấm thi theo đúng quy chế, đảm bảo chính xác. Phần mềm chấm trắc nghiệm được nâng cấp theo hướng tăng cường bảo mật, tất cả dữ liệu được mã hóa, kể cả đáp án.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác chấm thi ở 63 hội đồng thi, số lượng thành viên nhiều hơn năm ngoái. Ngoài hai cán bộ từ trường đại học, đoàn có thêm một chánh thanh tra hoặc phó chánh thanh tra từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng không được làm việc tại địa phương mình công tác.
“Như vậy, mỗi hội đồng sẽ có ba cán bộ thanh tra. Bộ sẽ giám sát để đảm bảo đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc”, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói.
Bộ sẽ không công bố đáp án ngay mà chờ thời điểm thích hợp để đảm bảo tiến trình chấm thi, đồng thời hạn chế tiêu cực. Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 14/7 (muộn hơn 3 ngày so với năm 2018). Thí sinh có thể nộp đơn chấm phúc khảo từ ngày 14 đến 23/7.