Hơn 20 năm cuối đời, cha đẻ của “lát cắt Tuỵ” luôn trăn trở và nói thẳng các vấn đề nhức nhối của giáo dục.
Giáo sư Hoàng Tuỵ qua đời ngày 14/7 ở tuổi 92. Nhớ về ông, giáo sư Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Thầy Tuỵ vừa là nhà toán học xuất sắc, giỏi sư phạm, vừa là trí thức yêu nước dám nói thẳng”.
Từ những năm 1963-1964, khi còn học cấp hai ở quê, ông Nhung đã biết đến tên tuổi giáo sư Hoàng Tuỵ qua sách giáo khoa Toán. “Những cuốn sách giáo khoa Toán ngày ấy rất mỏng, cơ bản, chắt lọc, nhưng vẫn cung cấp đủ cho chúng tôi kiến thức cần thiết”, ông Nhung kể.
Ông Nhung nhớ khi thầy Hoàng Tuỵ dạy ông ở lớp 9 chuyên toán đầu tiên của cả nước, dù chiếc bảng đen rất nhỏ, thầy vẫn viết “tối ưu” đủ cả buổi học. Mỗi khi lên lớp, thay vì viết những biểu thức dài, thầy Tuỵ luôn cố gắng giảng bằng lời nói để học sinh hiểu bản chất vấn đề là gì, ý nghĩa ứng dụng thế nào.
Đôi mắt sáng, thầy luôn hướng về phía học sinh khi nêu vấn đề, khuyến khích trò phát biểu ý kiến. Điều ấn tượng nhất với ông Nhung đến mãi sau này là giáo sư Hoàng Tuỵ viết chữ rất đẹp, dù ngày đó phấn bảng đều rất xấu. Những chữ cái như c, t… luôn có “râu” bên trái chứ không bao giờ cụt lủn.
Giáo sư Hoàng Tuỵ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Nghiêm túc trong dạy học và nghiên cứu khoa học, giáo sư Tuỵ cũng rất dí dỏm. Năm 1967, ông đến nói chuyện về toán học với một lớp trên Thái Nguyên, do đến muộn mấy phút, sau khi xin lỗi cả lớp ông nói vui: “Tôi đến muộn là do lỗi của cái mũ nồi trên đầu này. Tôi đã ra khỏi nhà rồi mà nó chưa chịu đi nên tôi phải quay trở lại lấy”.
Từ những buổi học ấy, cha đẻ của “lát cắt Tuỵ” đã truyền cảm hứng và men say Toán học, hun đúc ý chí tự học cho nhiều thế hệ học sinh, trong đó có giáo sư Nhung.
“Từ khi còn là cậu học trò nhỏ đến khi làm quản lý giáo dục, tôi luôn là học trò của thầy Tuỵ. Thầy luôn chê thẳng những vấn đề tôi làm chưa tốt, để tôi biết khuyết điểm của mình ở đâu mà tìm cách sửa. Giáo sư là người thầy vĩ đại của nhiều thế hệ học trò vì luôn nói thẳng như vậy”, giáo sư Nhung nói.
Sau này, đến những năm cuối đời, khi sức đã yếu nhưng giáo sư Hoàng Tuỵ vẫn canh cánh nỗi niềm với giáo dục. Ông luôn trăn trở, đưa ra nhiều bài viết “nói thẳng” những bất cập của nền giáo dục Việt Nam và đề xuất phương pháp mới.
Trong bài “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng”, ông nói kỳ thi THPT và cao đẳng, đại học (thi ba chung) là “nặng nề, căng thẳng giả tạo và lãng phí vô lối, không có ở đâu ngoài Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21”. Ngay sau kỳ thi ấy, các trường học chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức đã bước vào khai giảng năm học mới là “khởi động một chu kỳ khổ dịch đầy lo âu cho cả trò lẫn thầy”.
Ngoài ra, ông lên án nạn “đọc, chép”, phong trào “chống bệnh thành tích” của ngành giáo dục, nhưng tỷ lệ thi tốt nghiệp phổ thông năm nào cũng hơn 90%. Đặc biệt, ông phê phán gay gắt thói quen của ngành giáo dục nhiều năm qua là “xem học sinh như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái”.
Trong ký ức của giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Toán học, giáo sư Hoàng Tuỵ là “người đam mê, kiên trì, dành cả cuộc đời cho khoa học”. Ông là tấm gương và nguồn động viên để nhiều thế hệ cán bộ Viện Toán học noi theo.
Khi đã ngoài 70 tuổi, giáo sư Hoàng Tuỵ vẫn thường xuyên đến Viện toán để nghiên cứu, làm việc, trao đổi cùng mọi người. Cách đây mấy năm, một hôm Viện Toán học nhận được thông báo khiến ai cũng xúc động. Giáo sư Tuỵ muốn tổ chức buổi báo cáo mà ông nói rằng có thể là báo cáo khoa học cuối cùng vì sức đã yếu. “Ông cảm nhận được mình không còn nhiều thời gian, nhưng nhiệt huyết nghiên cứu thì luôn tràn đầy”, giáo sư Hải nói.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Viện trưởng Viện vinh danh chữ quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt, Đại học Duy Tân) lại cảm nhận Hoàng Tuỵ không chỉ là đại thụ của nền toán học Việt Nam mà còn “là ngôi sao sáng trên bầu trời trí thức Việt Nam với nhân cách lớn, sống trọn đời dấn thân vì khoa học, phản biện thẳng thắn các vấn đề giáo dục, xã hội, đất nước”. 20 năm cuối đời, giáo sư Tuỵ đã cương quyết và kiên trì “nói thẳng” với mong muốn canh tân giáo dục.
Giáo sư Hoàng Tuỵ qua đời chiều 14/7 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi. Lễ tang ông được tổ chức sáng 19/7 tại nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương quân đội, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội; an táng cùng ngày tại nghĩa trang Thiên Đức, Phú Thọ.
Giáo sư Hoàng Tuỵ phát minh ra phương pháp lát cắt Tuỵ, đánh dấu sự ra đời chuyên ngành Toán học mới, lý thuyết tối ưu toàn cục. Ông có hơn 100 công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực của Toán học.
Ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật năm 1996 và là người đầu tiên nhận giải thưởng Constantin Caratheodory năm 2011 do Đại hội Quốc tế tối ưu toàn cục đề xướng vì những đóng góp tiên phong về nền tảng cho lĩnh vực này.