Đến đặt vấn đề cung cấp thịt, cá, rau cho trường học nấu ăn bán trú, anh Thành ở Hà Tĩnh chỉ nhận được cái lắc đầu.

Anh Thành mở cơ sở thực phẩm sạch được 2 năm, nguồn hàng được lấy từ những trang trại lớn và đã qua kiểm dịch. Hiện anh hợp đồng cung cấp thịt lợn, bò, gà, cá, rau… cho bốn trường tiểu học và mầm non ở huyện Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh. Những ngày đầu, anh đến từng trường gặp hiệu trưởng để chào hàng, song nhận được rất nhiều cái lắc đầu.

Theo anh Thành, các trường học ở vùng nông thôn, đa số ký hợp đồng kéo dài nhiều năm với những người buôn bán nhỏ lẻ trong vùng. Họ chủ yếu mua cá, thịt, rau… ở các chợ quê rồi đưa về nhập cho trường để nhà bếp chế biến. Dù thực phẩm ở các cửa hàng tại thành phố có thể tươi ngon hơn, lãnh đạo các trường không dám phá vỡ thỏa thuận, vì sợ bị kiện, phải bù lỗ cho đối tác.

Rau củ quả cung cấp cho trường học nấu ăn bán trú tại cửa hàng của anh Thành. Ảnh: Đức Hùng

Rau củ quả cung cấp cho trường học nấu ăn bán trú tại cửa hàng của anh Thành. Ảnh: Đức Hùng

Tại một số địa bàn khác, nhiều chủ hàng dễ dàng nhận được hợp đồng cung cấp thực phẩm cho trường mà không phải chào mời. Họ là anh em, họ hàng với hiệu trường, hoặc quen biết với cán bộ làm trong ngành giáo dục. Vì thế, những chủ cửa hàng như anh Thành rất khó chen chân vào. 

“Có lần bàn bạc, hiệu trưởng rất thích thực phẩm do tôi cung cấp, nhưng không dám xóa hợp tác với đối tác cũ. Họ lấy lý do hội ý Ban giám hiệu, hỏi ý kiến phụ huynh rồi lờ đi”, anh Thành kể.

Ký hợp đồng với trường đã khó, thực hiện cũng không hề đơn giản. Theo anh Thành, khó nhất là chiều lòng phụ huynh. Nếu thực phẩm rẻ quá họ cũng không thích, nói là “hàng đểu”; đạt chất lượng thì lại cho rằng “do nhà cung cấp kê giá lên, chứ chưa chắc đã ngon”. 

“Bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư cho cơ sở, hiện tiền thu về đủ duy trì chứ không chưa có lời. Dù biết thuyết phục trường và phụ huynh thay đổi nhà cung cấp thực phẩm là rất khó, hàng tháng tôi vẫn tới tận trường đặt vấn đề, mong được hợp tác vì sức khỏe các cháu”, anh Thành nói.

Nhân viên nhà bếp của một trường Tiểu học ở Hà Tĩnh chia thức ăn sau khi nấu xong. Ảnh: Đức Hùng

Nhân viên nhà bếp của một trường Tiểu học ở Hà Tĩnh chia thức ăn. Ảnh: Đức Hùng

Không vất vả như anh Thành, chị Tú ở huyện Nghi Xuân được hai trường tới tận nơi đặt vấn đề ký hợp đồng cung cấp thịt lợn, do cơ sở được tỉnh chứng nhận đạt an toàn thực phẩm. Hàng ngày, vợ chồng chị xuống lò mổ lọc ra 20 kg thịt ngon nhất đưa tới nhập cho các trường, cuối tháng mới nhận thanh toán. 

Chị Tú chỉ ra thực tế nhiều hộ muốn chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh không lành mạnh nên đi mượn giấy chứng nhận thực phẩm của người khác rồi tới trường học đặt vấn đề hợp tác. Điều này khiến những người làm ăn như gia đình chị ảnh hưởng uy tín, đôi lúc bị trường nghi ngờ.

Làm phụ bếp cho một trường học ở thành phố Hà Tĩnh 14 năm nay, chị Thu cho biết để chọn được một nhà cung cấp thực phẩm, trường phải “nhấc lên đặt xuống” rất nhiều. Khi họp hội đồng chọn được một chủ hàng tin cậy, hai bên thường hợp tác lâu dài. Phương án đổi người cung cấp vẫn được đưa ra vào đầu năm học mới, nhưng không ai dám quyết vì cả nể, ngại thay đổi.

Học sinh tiểu học tập trung ăn một suất cơm bán trú do nhà hàng nấu. Ảnh: Đức Hùng

Học sinh tiểu học tập trung ăn cơm bán trú do nhà hàng nấu. Ảnh: Đức Hùng

Theo nữ phụ bếp, nghề này áp lực, lúc chế biến luôn “đau đầu” suy nghĩ xem làm sao để đảm bảo cho học sinh ngon miệng và để phụ huynh vừa mắt. Trước kia, chị cảm thấy rất thoải mái khi phụ huynh vào giám sát bếp ăn, nhưng hiện tại thì không. “Nhiều bố mẹ khó tính, bắt bẻ những cái không đáng. Đôi lúc họ chỉ nhắm vào cái sai nhất thời mà sẵn sàng chỉ trích, không để ý đến nỗ lực của bộ phận phục vụ, lo bữa ăn trong nhiều năm cho các cháu”, chị nói.

Chung nỗi lo, một chủ nhà hàng cung cấp cơm bán trú cho trường học ở thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Bán cho khách rất thoải mái, nếu có sơ suất gì thì họ còn thông cảm được. Chuyển sang phục vụ học sinh thì gặp nhiều khó khăn vô hình. Dù có làm cẩn thận mấy cũng phải lo, lỡ có sai sót gì coi như mất hết”.

*Tên nhân vật đã thay đổi.

Nguồn Tông hợp

Facebook Comments
Rate this post

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Anh tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Trung tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *