Hiệu trưởng sẽ quyết định sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường, nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý chương trình học, có thể bị chi phối bởi lợi ích cá nhân…
Ngày 21/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 32 cuốn thuộc 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, sử dụng trong năm học 2020-2021. 10 ngày sau, Bộ đưa ra dự thảo lựa chọn sách giáo khoa để xin ý kiến. Việc lựa chọn sách nào được đặt lên vai Hội đồng chọn lựa sách và quyết định cuối cùng là hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng đang đối diện với nhiều thách thức.
Thiếu kỹ năng quản lý chương trình học
Trong chương trình Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông mà các hiệu trưởng phải hoàn thành trước khi được bổ nhiệm, nội dung quản lý chương trình học không có trong các chuyên đề. Lý do là thời điểm ban hành chương trình bồi dưỡng, cả nước chỉ dùng một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Vì thế, nhiều hiệu trưởng vừa mừng vừa lo khi chọn sách giáo khoa vì lần đầu tiên họ được giao nhiệm vụ này. Để các hiệu trưởng tự tin thực hiện tốt trọng trách, các Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo cần cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết về quản lý chương trình học, đặc biệt kỹ năng liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa.
Sách Toán lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng từ năm học 2020-2021. Ảnh: Thanh Hằng. |
Thiếu thành viên đủ năng lực chuyên môn
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021, mỗi trường phải thành lập một Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, gồm: chủ tịch là người đứng đầu cơ sở giáo dục; phó chủ tịch là cấp phó người đứng đầu hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn; thư ký là tổ trưởng tổ chuyên môn; ủy viên là tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Quy định này làm nhiều trường lo lắng về năng lực chuyên môn của đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngoài ra, đối với một số trường còn thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là người hiểu biết về dạy liên môn theo chương trình mới thì hiệu trưởng sẽ gặp khó khăn khi thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Để hỗ trợ cho các trường này, các Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo cần cử cán bộ chuyên môn tham gia tư vấn cho Hội đồng của trường.
Thiếu thời gian nghiên cứu và dạy thử sách giáo khoa mới
Điều 9, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa quy định các trường phải niêm yết danh mục sách giáo khoa lựa chọn trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 5 tháng. Điều đó có nghĩa là trước tháng 4/2020 các trường phải chọn được bộ sách giáo khoa sẽ áp dụng trong năm học 2020-2021. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều trường vẫn chưa thể tiếp cận với các sách giáo khoa mới đã được phê duyệt.
Vì thế, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của các trường tiểu học sẽ gặp khó khăn khi không có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ tất cả 32 sách giáo khoa lớp 1 trước khi đưa ra ý kiến chọn lựa sách nào phù hợp nhất. Để khắc phục, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần đặt hàng với nhà xuất bản sớm cung cấp sách giáo khoa cần thiết cho Hội đồng lựa chọn của các trường nghiên cứu và nếu có thời gian tổ chức dạy thử một số bài trước khi ra quyết định chọn lựa sách thì tốt nhất.
Bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài
Nhiều yếu tố bên ngoài có thể tác động đến việc ra quyết định của hiệu trưởng, chẳng hạn sự cả nể trong các mối quan hệ, tỷ lệ chia hoa hồng, những lợi ích cá nhân. Vì thế hiệu trưởng phải vững vàng, công tâm mới loại bỏ được những ảnh hưởng đó và đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu trong việc ra quyết định lựa chọn sách giáo khoa.
Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, không còn là độc nhất, điều này sẽ cởi trói cho giáo viên, mở rộng nguồn tri thức cho học sinh và cũng sẽ trao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng. Khi được giao quyền càng nhiều thì trách nhiệm hiệu trưởng càng lớn, đòi hỏi họ phải đủ tâm, tầm và tài để vượt qua thách thức.
Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Nhẫn