Cô giáo Nguyễn Thị Thoa, 35 tuổi, ở Lạng Sơn thấy mệt mỏi và căng thẳng khi phải làm 8 sáng kiến kinh nghiệm trong 8 năm đứng lớp.

Trong buổi chia sẻ với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 15/11 tại Hà Nội, cô giáo đến từ trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Minh Phát (Lạng Sơn) nói: “Nếu có thâm niên, người dạy có thể không quá chật vật với sáng kiến kinh nghiệm. Tuy nhiên, với giáo viên trẻ mới ra trường, việc hàng năm phải đảm bảo nhiệm vụ này quả thật rất áp lực”.

Cô Thoa chia sẻ tại trường mình, nhiều giáo viên trẻ đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, nhưng sáng kiến kinh nghiệm chưa đạt chuẩn nên không được danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Cho rằng việc này là thiệt thòi lớn cho người trẻ, cô mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi để giáo viên có thể giảm áp lực, tập trung chuyên môn và đạt được danh hiệu xứng đáng.

Cô Nguyễn Thị Thoa chia sẻ tại buổi gặp mặt chiều 15/11. Ảnh: Thanh Hằng

Cô Nguyễn Thị Thoa chia sẻ tại buổi gặp mặt chiều 15/11. Ảnh: Thanh Hằng

Bày tỏ sự đồng cảm với cô Thoa, cô Nguyễn Vân Nhi, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (huyện M’Đrăk, tỉnh Đăk Lăk), cho biết bản thân gặp khó khăn trong việc làm sáng kiến kinh nghiệm hàng năm. “Một năm giảng dạy rất khó để thầy cô đúc kết kinh nghiệm, viết ra được một sáng kiến, đạt tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, cô giáo nói. 

Tuy nhiên, nếu năm đó giáo viên muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt tiêu chuẩn cấp huyện trở lên. Cô Nhi cho rằng, việc này gây bất cập khi thầy cô “phải làm sáng kiến khi chưa đủ kinh nghiệm” dẫn đến tình trạng sao chép, biến sản phẩm của người khác thành của mình, làm mất đi sự công bằng và trong sạch của cuộc thi.

Cô giáo đến từ Đăk Lăk mong muốn thời gian làm một sáng kiến kinh nghiệm khoảng 2-3 năm một lần thay vì hàng năm như hiện nay; tiêu chí xét Chiến sĩ thi đua cần linh hoạt, quy đổi kết quả cuộc thi sang thành tích khác.

Tại buổi gặp mặt, nhiều thầy cô cho rằng số lượng lớn cuộc thi giáo viên dạy giỏi cũng là áp lực lớn. Cô Lương Thị Hòa, giáo viên âm nhạc kiêm tổng phụ trách đội trường Tiểu học và THCS Cao Sơn, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ tháng 3/2018 cô trải qua bốn kỳ thi: Giáo viên giỏi âm nhạc cấp huyện, tỉnh và giáo viên tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện, tỉnh. 

“Trong một tháng, tôi sút gần 10 kg, lúc nào cũng thấy áp lực đè nặng”, cô Hòa nhớ lại. Cô giáo đánh giá áp lực chủ yếu đến từ chỉ tiêu thành tích, nhất là khi hiện nay kết quả của nhiều cuộc thi “không phải lúc nào cũng là thành tích thật của giáo viên”. Trong khi việc chuẩn bị, luyện tập và dự thi chiếm phần lớn quỹ thời gian giảng dạy trên lớp của cô.

Cô giáo mong muốn các kỳ thi giáo viên dạy giỏi được giảm tải, đặc biệt là những người dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, để thầy cô tập trung làm chuyên môn, quan tâm nhiều hơn đến học sinh.

Cô Lương Thị Hòa. Ảnh: Thanh Hằng

Cô giáo Lương Thị Hòa. Ảnh: Thanh Hằng

Bày tỏ sự thấu hiểu trước áp lực của giáo viên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ghi nhận thời gian qua nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp “mang tính chất diễn, mục tiêu không còn trong sáng” khi một giờ dạy được tập nhiều lần.

Ông Tuấn Anh khẳng định, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đang rà soát tất cả thông tư quy định về giáo viên dạy giỏi, từ đó xây dựng thông tư mới, hướng đến việc xét và công nhận danh hiệu này thực chất hơn, bởi “một giờ dạy không đủ quyết định giáo viên đó có giỏi hay không”.

“Cuộc thi vẫn được duy trì để tạo sân chơi cho thầy cô, giúp giáo viên vững chuyên môn có cơ hội thể hiện và khẳng định khả năng, nhưng kết quả chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong việc xét giáo viên giỏi”, ông Tuấn Anh nói.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thông tin, sắp tới giáo viên sẽ không phải viết hay trình bày sáng kiến kinh nghiệm hàng năm. Thay vào đó, thầy cô có thể thuyết trình, chia sẻ những việc hay trong năm qua. Thông qua những câu chuyện chân thực, thầy cô truyền cảm hứng học tập, tình yêu nghề đến học sinh và đồng nghiệp.

“Thông tư chuẩn bị ban hành được xây dựng trên tinh thần giảm tối đa áp lực cho giáo viên. Các cuộc thi vẫn được tổ chức nhưng hình thức sẽ được giảm tải, không bắt buộc thầy cô tham gia”, ông Độ nói.

Thanh Hằng

Nguồn Tông hợp

Facebook Comments
Rate this post

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Anh tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Trung tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *