ItalyÔng Giuseppe Paterno, 96 tuổi, ở Palermo, tốt nghiệp Đại học Palermo loại xuất sắc và trở thành cử nhân lớn tuổi nhất đất nước.
Ngày 29/7, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp, ông Paterno nhận được lời ngợi ca từ hiệu trưởng Đại học Palermo, ông Fabrizio Micari, cùng sự ủng hộ của gia đình, thầy cô giáo, và các bạn học trẻ hơn ông đến 70 tuổi.
Đối mặt nhiều khó khăn trong cuộc đời, tuổi thơ nghèo đói, chiến tranh và gần nhất đại dịch toàn cầu, ông đã vượt qua tất cả. “Tôi là người bình thường, như bao người khác. Về khía cạnh tuổi tác, tôi đã vượt qua tất cả mọi người, nhưng tôi không đi học chỉ để làm điều đó”, ông nói.
Lớn lên trong gia đình nghèo ở đảo Sicily, Italy trong những năm 1930 đại khủng hoảng, ông Paterno chỉ nhận được giáo dục cơ bản khi còn nhỏ, trước khi tham gia hải quân và phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, ông trở về làm nhân viên đường sắt, lập gia đình và có hai con.
Trong xã hội đổ nát sau chiến tranh, công việc và gia đình là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, ông Paterno vẫn dành thời gian để học và tốt nghiệp phổ thông khi 31 tuổi, ước ao được tiếp tục học thêm nữa. “Kiến thức như một hành trang tôi mang theo, đó là một kho báu”, ông nói.
Năm 2017 khi 93 tuổi, ông quyết định theo đuổi chuyên ngành Lịch sử và Triết học ở Đại học Palermo. Cả đời ông yêu thích ngành học này nhưng chưa có cơ hội thực hiện. “Tôi hiểu rằng mình đã hơi muộn để lấy bằng cử nhân 3 năm, nhưng tự nhủ để xem mình có làm được không”, ông kể.
Sau khi nhập học đại học năm 2017, thay vì sử dụng những máy tính hiện đại, ông Paterno vẫn gõ các bài tiểu luận trên máy đánh chữ, món quà ông nhận được từ người mẹ vào năm 1984. Khi tìm kiếm tài liệu, ông không sử dụng Google mà lựa chọn những quyển sách thư viện. Ông cũng không thể tham gia những bữa tiệc sinh viên của các bạn cùng lớp vào cuối tuần.
“Ông Paterno là hình mẫu cho các học sinh”, ông Francesca Rizzuto, giáo sư xã hội học của Đại học Palermo, nói sau khi ông Paterno hoàn tất bài thi vấn đáp cuối cùng vào tháng 6.
Ông Paterno thừa nhận không cảm giác thấy thoải mái với những buổi học online, thay vì được đến lớp do Covid-19. Tuy nhiên, ông sẽ không để dịch bệnh làm khó mình, sau cuộc đời được trui rèn bởi chiến tranh và khó nhọc. “Tất cả khó khăn này làm chúng ta mạnh mẽ hơn”, ông nói.
Khi được hỏi về kế hoạch sau này, ông Paterno chia sẻ không định dừng lại sau khi tốt nghiệp. “Mục tiêu của tôi trong tương lai là đầu tư thời gian cho nghiệp viết. Tôi muốn xem lại tất cả văn bản mà tôi chưa có cơ hội để đào sâu”, ông nói.
Phan Nghĩa (Theo Reuters)