TajikistanNăm 15 tuổi, Dilafruz Dilia Samadova kết hôn theo sắp xếp của gia đình, nhưng cô quyết định ly hôn sau 6 năm để đến Mỹ đi học.
Samadova lớn lên trong gia đình có bốn chị em gái, theo đạo Hồi với những luật lệ hà khắc. “Mẹ và bốn chị em tôi sống theo cùng một cách. Bố không cho chúng tôi học đại học nhưng tôi muốn đến trường”, Samadova nói.
Năm 15 tuổi, giống như bao cô gái tại Tajikistan, Samadova được sắp xếp kết hôn. “Tôi đã cố gắng như mẹ nói nhưng chẳng ích gì. Tôi sợ về nhà và không muốn tiếp tục cuộc sống như vậy”, cô nói.
Sau 6 năm, Samadova quyết định chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân được định sẵn. Với sự giúp đỡ của bạn bè và đại sứ quán Mỹ, cô ly hôn và xin visa làm việc tại Mỹ trong quá trình đến nước này tị nạn.
Samadova trong giờ trợ giảng ngày 11/12/2019 tại trường Công giáo Our Lady of Peace tại Canton (Ohio). Ảnh: Ray Stewart/ CantonRep |
Ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Farsi, cô không nói được tiếng Anh khi mới đến Mỹ. Điểm dừng chân đầu tiên là New York, nơi cô cảm thấy bị sốc văn hóa. “Tôi nhớ mình đã khóc liên tục, quyết định mua một cuốn từ điển và cố gắng giao tiếp”, Samadova nhớ lại.
Sau đó, cô chuyển đến Ohio và làm phục vụ tại khách sạn. Samadova chỉ nói được vài từ quen thuộc như “vỏ gối”, “rèm”, “khách”, phải mua một chiếc điện thoại và tăng cường nghe TV để tự học tiếng Anh.
Cô bắt đầu công việc thứ hai là dọn dẹp nhà cửa cho gia đình bà Mamie Kolar, một người Italy nhập cư Mỹ. Sau khi Kolar qua đời năm 2013, con trai và con dâu của bà vẫn tiếp tục giúp đỡ Samadova. Họ ủng hộ cô theo học Cao đẳng Cộng đồng bang Terra (thị trấn Fremont, Ohio). Cô hoàn thành chương trình hai năm về giáo dục mầm non và dành đủ tiền mua chiếc xe đầu tiên.
Lúc đó, Samadova muốn được học tiếp lên Đại học Bowling Green nhưng không đáp ứng được yêu cầu tài chính của trường.
Trong một lần tình cờ, tại nhà thờ ở Port Clinton, một người chia sẻ câu chuyện của Samadova với Jerry Pellegrino, chủ sở hữu Trung tâm âm nhạc Pellegrino tại thị trấn Jackson. Pellegrino cho linh mục số điện thoại của mình, nhờ chuyển cho Samadova và đề nghị giúp cô theo học tại Đại học Walsh với sự hỗ trợ từ Học bổng phú quý của gia đình Pellegrino.
“Tôi rất khó tin khi ông ấy đề nghị trả tiền cho tôi học Walsh. Tôi hỏi lại linh mục để xác nhận liệu mình có đang mơ”, Samadova kể. Bạn bè và người quen thúc giục cô liên lạc lại với Pellegrino và cô đã làm theo.
Samadova chơi đùa cùng học sinh. Ảnh: Ray Stewart/ CantonRep |
Một ngày chủ nhật năm 2017, cô đến Walsh và đi học một ngày sau đó.
Hiện, Samadova đã 30 tuổi và vừa hoàn thành chương trình cử nhân về giáo dục mầm non tại Đại học Walsh. Trong khi đi học, cô làm trợ giảng tại trường Công giáo Our Lady of Peace tại Canton (Ohio).
Sau khi tốt nghiệp, Samadova muốn làm việc cho một tổ chức như Liên Hợp Quốc với hy vọng hỗ trợ những phụ nữ gặp khó khăn như mình có thể đến trường.
“Tôi biết điều này rất khó nhưng nếu bạn cố gắng hết sức, cơ hội sẽ đến. Tôi đến Mỹ một mình, đáng lẽ đã từ bỏ giấc mơ đi học nhưng có nhiều người xuất hiện và giúp tôi đến trường”, Samadova nói.
Thanh Hằng (Theo Learning English)