Khả năng sáng tạo có thể bị hạn chế nếu phụ huynh áp đặt suy nghĩ của người lớn lên sự tưởng tượng của trẻ hoặc đặt ra nhiều quy tắc.
1. Áp đặt suy nghĩ thực tế lên sự tưởng tượng
Con bạn từng vẽ bông hoa cao hơn ngôi nhà hay tự ngâm nga một khúc nhạc? Hoặc con từng chơi cùng những người bạn tưởng tượng? Nếu nhắc nhở con rằng “bông hoa phải thấp hơn ngôi nhà” hay “dừng việc chế nhạc”, bạn đang hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ.
Thay vì liên tục sửa những ý tưởng khác lạ của con, bạn nên để con phát huy sức tưởng tượng. Nếu không có khả năng tưởng tượng, trẻ sẽ ít sáng tạo.
2. Quyết định thay trẻ
Nhiều cha mẹ thay con làm mọi việc, từ chọn lựa quần áo, giày dép, màu sắc đến làm việc nhà, học tập. Vì vậy, trẻ không còn cơ hội trải nghiệm, khám phá thế giới để trau dồi sở thích cá nhân hoặc sức sáng tạo. Nhiều em sinh ra thái độ ỷ lại, thụ động trong công việc.
Dù việc tự quyết định có thể khiến trẻ mắc sai lầm, các em sẽ rút ra bài học hoặc nghĩ ra biện pháp thay đổi. Sự sáng tạo sẽ xuất hiện từ những lần vấp ngã này.
3. Đặt ra nhiều quy tắc
Các quy tắc bó buộc trẻ trong một cuộc sống khan hiếm sự khám phá, từ đó khiến chúng tự ti, thụ động, ngại đương đầu với thử thách. Vì vậy, các em cũng thu hẹp sự sáng tạo, phụ thuộc nhiều vào ý kiến, hướng dẫn của người khác.
Dù quy tắc giúp nuôi dạy những đứa trẻ ngoan ngoãn, phụ huynh nên đưa ra những quy tắc chính, dành những “kẽ hở” để trẻ sáng tạo. Một số hoạt động kích thích sự sáng tạo, phụ huynh nên ủng hộ trẻ gồm: nghịch ngợm, mạo hiểm, chơi bẩn, bày bừa, tranh luận với người lớn.
4. Đăng ký nhiều lớp học
Nhiều phụ huynh cho rằng đăng ký nhiều lớp học ở các lĩnh vực như thể thao, âm nhạc, múa hát, ngoại ngữ có thể kích thích khả năng sáng tạo của trẻ. Điều này không đúng. Các lớp học rút mất thời gian vui chơi và năng lượng của trẻ, từ đó cũng hạn chế sự sáng tạo vốn được nảy sinh từ việc giải trí.
Ngoài ra, không ít lớp học xây dựng những bộ quy tắc riêng, làm hạn chế sự tìm tòi, khám phá của trẻ. Thay vì xếp lịch học kín thời gian, phụ huynh nên để chừa những khoảng trống để trẻ vui chơi, khám phá thế giới.
5. Xem TV quá nhiều
Trên Internet, truyền hình có không ít chương trình giúp trẻ trau dồi khả năng sáng tạo như vẽ tranh, làm thí nghiệm khoa học. Tuy nhiên, việc xem TV quá nhiều khiến trẻ trở nên thụ động, giảm các hoạt động vui chơi ngoài trời nên sự sáng tạo từ các chương trình trên TV không có đất dụng võ. Từ đó, dù xem nhiều chương trình, khả năng sáng tạo của trẻ vẫn không được kích thích.
6. Bám sát kế hoạch
Người họa sĩ vẽ ngọn núi, nhưng lại muốn những cái cây và bằng cách nào đó ngọn núi đã được sửa thành những cái cây. Sáng tạo là như vậy. Trong kế hoạch, sẽ có lúc xuất hiện vật cản hoặc cơ hội thực hiện những điều thú vị không nằm trong dự liệu ban đầu. Thay vì yêu cầu trẻ tuân theo kế hoạch, phụ huynh nên để con ứng biến với những bất ngờ chợt nảy ra trên lộ trình đã vạch sẵn. Đối với người sáng tạo, sự biến đổi bất ngờ này là cơ hội để làm những điều ấn tượng.
Chẳng hạn, bạn định đưa con đến công viên chơi nhưng trên đường đi con bạn bị thu hút bởi cái máy ủi lần đầu tiên nhìn thấy. Đừng sợ lỡ thời gian vui chơi vì con bạn đã tìm thấy hứng thú ở hoạt động khác.
7. Không giúp đỡ trẻ
Sự sáng tạo không đồng nghĩa với việc phải tự hoàn thành nhiệm vụ một mình. Bạn cho là để con tự vẽ tranh, làm đồ thủ công, mới có thể kích thích khả năng sáng tạo nhưng không phải vậy. Trẻ thường cảm thấy vui vẻ khi làm việc cùng bố mẹ, từ đó nguồn cảm hứng sẽ được khơi gợi và phát huy.
Tú Anh (Theo The Kids & Us, Parents)