Ashley Wasilenko, nhà văn tự do hiện sống tại thành phố New York, Mỹ, tiết lộ bảy phương pháp dạy con trai ba tuổi tự lập.

1. Tự dọn dẹp

Nếu bạn nuôi một đứa trẻ ba tuổi, căn nhà bạn sẽ không khác gì bãi chiến trường vì con sẽ lật tung mọi thứ để chơi đùa. 

Tôi bắt đầu yêu cầu con trai dọn dẹp. Sau khi chơi, cháu phải dọn dẹp đồ chơi cũ mới được phép tiếp tục chơi những món đồ khác. Tôi muốn cho con thấy tất cả mọi thành viên phải có trách nhiệm giữ gìn và chăm sóc nhà cửa, từ đó khuyến khích cháu làm việc nhà.

Nhiệm vụ này cũng bao gồm trong các hoạt động sinh hoạt khác. Ví dụ khi con  ăn xong bữa tối, cháu phải dọn dẹp bát đũa của mình và đặt vào bồn rửa. Từ yêu cầu nhỏ là dọn dẹp đồ chơi, con trai tôi giờ có thể giúp đỡ cha mẹ thực hiện những nhiệm vụ khác trong gia đình.

2. Không nhõng nhẽo

Con trai tôi từng ưa nhõng nhẽo và thường xuyên rên rỉ. Những âm thanh nỉ non này khiến tôi và chồng vô cùng mệt mỏi. Biết con trai đang muốn bộc lộ cảm xúc nhưng chúng tôi không muốn nói hộ con hoặc đoán già đoán non lý do mà yêu cầu con phải dùng từ ngữ để bộc lộ cảm xúc của mình.

Khi con giải thích đang cảm thấy thế nào, tôi sẽ khen ngợi để khuyến khích cháu thể hiện cảm xúc nhiều hơn thông qua ngôn ngữ. Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong việc nắm bắt và hiểu rõ tâm tư tình cảm của con. Ngược lại, con tôi có thể xác định cảm xúc của mình và tìm cách hóa giải nó.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

3. Tạo nền tảng vững chắc

Ở tuổi lên ba, con trai tôi có thể nói, đánh vần đầy đủ họ tên của mình và tên của cha mẹ. Cháu cũng có thể nhận các số từ 1 đến 20 và bảng chữ cái từ A đến Z. Tôi và chồng cùng nhau dạy cháu những điều này để tạo nền tảng học tập cơ bản, vững chắc cho con trai. Từ đó, cháu cũng cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình. Hiện tại, chúng tôi giúp con nhận biết từ ngữ, cao hơn nữa là có thể đọc sách trong thời gian tới.

4. Chơi một mình

Tôi không muốn khi mình bận làm việc hoặc dọn nhà, con trai sẽ hét ầm lên rằng “Mẹ ơi, con chán quá!” nên tôi đã dần dạy cháu cách tự chơi một mình. Đây là kỹ năng trẻ cần có để phát triển và trưởng thành. Tôi không hạ thấp tầm quan trọng của xây dựng quan hệ xã hội, nhưng việc có thể tự làm thỏa mãn mình là điều thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người. Tôi cũng nhận thấy khi chơi một mình, trí tưởng tượng của con trai tăng lên đáng kể. Cháu có thể xếp thú bông quanh mình, bắt đầu xây dựng câu chuyện giả tưởng về những người bạn rừng xanh.

Đôi khi, tôi sẽ cho con cùng tham gia hoạt động với mình như nấu ăn, làm việc nhà… Tất nhiên, với sự giúp đỡ của một đứa trẻ, công việc sẽ bị trì hoãn hoặc sẽ lộn xộn hơn nhưng tôi vui vì được chia sẻ thời gian với con và dạy con nhiệm vụ cơ bản.

5. Vệ sinh thân thể

Hiện tại, con trai tôi có thể tự rửa tay, tự đánh răng, thậm chí là tự tắm trong bồn. Thành thật mà nói, đôi khi con trai cũng cần đến sự giúp đỡ của bố hoặc mẹ nhưng cháu đang học từng bước một.

Tự vệ sinh thân thể giúp con trai tôi hiểu rằng phải chịu trách nhiệm với bản thân và có thể làm những việc này cho chính mình. Tự thay quần áo là nhiệm vụ lớn khác mà chúng tôi đang dạy cho cháu. Những công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn, nhưng một chút thời gian bạn bỏ ra hiện tại có thể đổi lại những năm tháng tự lập của con cái trong tương lai.

6. Học cách chia sẻ

Tôi luôn nói với con trai rằng chia sẻ là kỹ năng xã hội quan trọng và cần thiết để xây dựng nhân cách và mối quan hệ xã hội. Điều này tương đối khó đối với nhận thức của một đứa trẻ ba tuổi, nhưng chúng ta nên kiên nhẫn giảng giải.

Con trai tôi hiểu rằng phải chia sẻ và giúp đỡ người thân, nhưng chưa thể làm được việc này với mọi người xung quanh. Đôi lúc, cháu vẫn giành đồ chơi với bạn bè hay tranh chỗ ở sân chơi. Nhiệm vụ của vợ chồng tôi khi đó là giải thích cho con hiểu tại sao nên nhường nhịn bạn bè, hành động của con chưa đúng ở đâu và nên làm thế nào nếu lặp lại tình huống này trong tương lai. Trẻ ba tuổi có thể chưa nhận thức đầy đủ đúng sai, nhưng sẽ rất nhanh trong việc học hỏi nên đây là thời điểm tuyệt vời để giáo dục con.

7. Cư xử lịch sự

Cư xử lịch sự là điều vốn khó thực hiện ngay cả với người lớn. Đã bao nhiêu lần bạn giữ cánh cửa mở cho người đi sau và họ chỉ thản nhiên bước qua mà không nói lời cảm ơn với bạn? Tôi không muốn con trai mình thờ ơ hay thiếu tôn trọng với mọi người xung quanh.

Tại nhà, tôi thường đưa những tình huống khác nhau để dạy con cách nói lời cảm ơn, xin lỗi hoặc thực hành hành động lịch sự. Hôm vừa rồi, khi chúng tôi đi ăn nhà hàng, con trai tôi đã quay sang tự tin nói với bồi bàn rằng “Cháu cảm ơn ạ” khi anh ấy lấy hàu nướng phomai cho cháu. Khi nghe câu nói này, anh ấy thoáng giật mình, điều đó khiến tôi tự hào và hãnh diện. Cư xử lịch sự không phải là điều chỉ người trưởng thành mới làm mà những đứa trẻ có thể tiếp thu và xây dựng thành thói quen.

Tú Anh (theo Motherly)

Nguồn Tông hợp

Facebook Comments
Rate this post

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Anh tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Đào tạo ngôn ngữ PLG đang tổ chức các lớp dạy kèm tiếng Trung tại nhà trong nội thành TP.HCM, mọi chi tiết xin liên hệ: 0909 964 389, xem thêm tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *