Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến dùng 16 triệu USD để biên soạn tài liệu, tập huấn một triệu giáo viên và mua sách cho thư viện các trường vùng khó khăn…
Chiều 2/12, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) trả lời VnExpress về việc xử lý 16 triệu USD vốn vay ODA.
– Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến biên soạn một bộ sách giáo khoa với kinh phí 16 triệu USD. Khoản tiền này được lấy từ đâu?
– Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa và để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Sổ tay dự án RGEP có thiết kế cấu phần cho việc Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa với kinh phí 16 triệu USD. Khoản này nằm trong 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện dự án RGEP.
16 triệu USD dùng để trả thù lao cho tác giả, tổ chức biên soạn, một phần để biên soạn tài liệu tập huấn, thẩm định sách giáo khoa, giúp tác giả và người tham gia thẩm định hiểu chương trình, tiêu chí… Ngoài ra, 16 triệu USD còn bao gồm kinh phí biên soạn sách giáo khoa song ngữ tiếng dân tộc thiểu số và chi phí chuyển đổi một số sách sang chữ nổi Braille phục vụ cho học sinh khiếm thị.
– Bộ đã không biên soạn bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88, vậy khoản tiền 16 triệu USD sẽ được xử lý như thế nào?
– Bất cứ dự án ODA nào, trong đó có dự án RGEP, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong hiệp định, sổ tay thực hiện dự án với các cấu phần cụ thể và nguồn kinh phí tương ứng. Việc rút vốn được thực hiện theo tiến độ và tuân thủ quy định pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, WB.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo thiết kế ban đầu, thay vào đó tổ chức theo phương án xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước. Việc này giúp tiết kiệm được khoản kinh phí vẫn đang là thiết kế ban đầu của dự án, chưa được giải ngân từ WB.
Hiện dự án trong kỳ đánh giá cuối năm, Bộ đang đàm phán với WB về việc tái cấu trúc kinh phí dự án, trong đó có tái phân bổ nguồn kinh phí ban đầu cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai chương trình mới, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Sau khi đạt được sự thống nhất với nhà tài trợ, tái phân bổ kinh phí, sổ tay của dự án sẽ được chỉnh sửa và triển khai. Tất cả vấn đề liên quan đến kinh phí của dự án phải được sự chấp thuận và giám sát của WB, quy chế của Bộ Tài chính và hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm toán.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Q.T. |
– Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không tính phương án trả lại 16 triệu USD?
– Để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, ngoài biên soạn sách giáo khoa còn một loạt công việc như: biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tổ chức bồi dưỡng khoảng một triệu giáo viên, cán bộ quản lý; mua sách giáo khoa cho thư viện trường phổ thông vùng khó khăn để học sinh được mượn sách học, đảm bảo quyền học tập công bằng… Thực hiện các việc này cần nguồn kinh phí lớn hơn nhiều, ngoài ngân sách nhà nước rất cần các nguồn xã hội hóa.
Nếu không tái cơ cấu để sử dụng nguồn vốn vay 16 triệu USD, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải dùng ngân sách để chi cho các việc cần thiết trên. Vì vậy, Bộ đang đàm phán với WB tái phân bổ nguồn kinh phí thiết kế cho biên soạn sách giáo khoa vào các hợp phần trong khuôn khổ dự án.
– Có thời gian chuẩn bị tới 5 năm (từ khi ban hành Nghị quyết 88 tháng 11/2014), nhưng tại sao Bộ không biên soạn được một bộ sách giáo khoa?
– Nghị quyết 88 quy định sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục… Điều này có nghĩa để biên soạn được sách giáo khoa thì chương trình giáo dục phổ thông phải có trước.
Do lần đầu tiên xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo cách tiếp cận tổng thể ở tất cả môn học, lớp học và cần lấy ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân, quá trình xây dựng chương trình cần nhiều thời gian hơn so với dự kiến. Quốc hội khi đó đã ban hành Nghị quyết 51 điều chỉnh lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông.
Tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới hoàn thành việc xây dựng chương trình mới ban hành kèm Thông tư 32. Ngay sau đó, Bộ tuyển chọn người biên soạn sách giáo khoa theo đúng quy định pháp luật và cam kết với WB. Tuy nhiên, việc tuyển chọn người đã không thực hiện được do không đủ ứng viên.
Trong khi đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, các nhà xuất bản đã tích cực triển khai từ ngày 19/1/2018 khi Bộ đăng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông xin ý kiến. Đến tháng 4/2019, khảo sát thực tế, Bộ thấy các nhà xuất bản đã hình thành một số bộ sách giáo khoa đầy đủ môn học lớp 1 và các lớp sau. Nếu Bộ tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì sẽ không công bằng trong cạnh tranh với các nhà xuất bản dùng kinh phí của mình để biên soạn.
Từ thực tế trên, Bộ đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng tổ chức việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sách Đạo đức và Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hằng |
– Bộ vừa công bố 32 sách giáo khoa được phê duyệt, trong đó 24 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Việc thiếu vắng của một bộ sách của Bộ khiến nhà trường, giáo viên ít cơ hội lựa chọn. Ông đánh giá thế nào về việc này?
– Các sách giáo khoa được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến, bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam. Các sách cũng bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt, mỗi môn học có nhiều sách, tạo nguồn phong phú cho các cơ sở giáo dục lựa chọn. Việc không có bộ sách giáo khoa nào do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn bảo đảm sự bình đẳng cho các nhà xuất bản, giúp việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa trong trường học được thuận lợi, công bằng và minh bạch.
Chiều 22/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sau hai vòng thẩm định, 38 trên 49 bản thảo của chín môn sách giáo khoa lớp 1 đáp ứng đủ 13 tiêu chí theo Thông tư 33, 11 bản thảo sáu môn “Không đạt”. Ngày 21/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 32 cuốn của tám môn. Riêng Tiếng Anh lớp 1 chưa phê duyệt do là môn tự chọn.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách, được phê duyệt. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi cơ sở có bốn cuốn, hợp thành một bộ sách hoàn chỉnh.
Thanh Hằng